TRƯỜNG MẦM NON TIÊN THANH TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ
"XÂY DỰNG TRƯỜNG MẦM NON LẤY TRẺ LÀM TRUNG TÂM" GIAI ĐOẠN 2021-2025
Trường Mầm non Tiên Thanh là một trường nằm gần trung tâm huyện Tiên Lãng. Năm hoc 2022 - 2023 Trường có 12 nhóm lớp với tổng số trẻ là: 250 trẻ, trong đó có 9 lớp mẫu giáo và 3 lớp nhà trẻ. Cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp: 100% các nhóm, lớp đủ diện tích, thoáng mát và đều được trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị phục vụ cho công tác chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Tạo cho trẻ điều kiện tốt nhất để trẻ được khám phá và trải nghiệm thế giới xung quanh, giúp trẻ phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Đồng thời giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, kỹ năng giao tiếp và tính sáng tạo …..
Khuôn viên nhà trường
Trường có tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên là 35 người, 92.3% cán bộ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm trong giảng dạy, thật sự tâm huyết với nghề, luôn yêu thương quý mến trẻ.
Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường
Năm hoc 2022 - 2023 nhà trường tiếp tục thực hiện theo chương trình Giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và tiếp tục thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường luôn thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Môi trường giáo dục là yếu tố quan trọng góp phần tích cực trong các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Với tiêu chí về môi trường giáo dục, nhà trường luôn thiết kế môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn về mặt tâm lý cho trẻ và trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh mang lại cho trẻ một môi trường vui chơi, học tập thực sự tin cậy, hiệu quả. Môi trường vật chất trong lớp, ngoài lớp luôn đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả các trẻ có thể chơi mà học, học bằng chơi, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. Các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú, các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng sự vật, đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm.
Các khu vực vui chơi cho trẻ luôn được các cô thiết kế và làm vệ sinh ngay đầu năm học
Trong lớp học với những góc chơi của trẻ, Giáo viên bài trí sắp xếp các góc lôi cuốn trẻ với những đồ dùng đồ chơi màu sắc sinh động, những nhân vật ngộ nghĩnh…Môi trường có không gian, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ; phản ánh kinh nghiệm, văn hóa của địa phương; luôn thay đổi để tạo ra sự hấp dẫn mới lạ đối với trẻ.
Với không gian các phòng học rộng, thoáng mát cùng các đồ dùng, đồ chơi, nguyên học liệu phù hợp với từng chủ đề, đa dạng, phong phú, dễ thấy, dễ lấy tại các góc chơi. Khuyến khích trẻ tích cực, chủ động trong các hoạt động trải nghiệm, khám phá và phát huy tính sáng tạo của trẻ. Nhà trường tăng cường đầu tư môi trường bên ngoài, phân theo từng khu vực vui chơi của trẻ, đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn cho trẻ.
Thực hiện tốt tiêu chí xây dựng kế hoạch giáo dục, vào đầu các năm học nhà trường đã triển khai tới 100% giáo viên các nhóm lớp xây dựng kế hoạch năm học theo các tiêu chí “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” Khi xây dựng kế hoạch giáo dục thể hiện được mục tiêu giáo dục, phạm vi và mức độ, nội dung giáo dục trẻ, các phương pháp, các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ và điều kiện của từng lớp, từng độ tuổi. Kế hoạch thể hiện các mục tiêu cụ thể phản ánh được kết quả mong đợi đáp ứng với sự phát triển của trẻ theo giai đoạn, thời điểm phù hợp. Thể hiện được nội dung giáo dục theo Chương trình Giáo dục mầm non và có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện thực tế vùng miền của địa phương, của nhà trường và của từng lớp. Khuyến khích trẻ tích cực, chủ động, hứng thú tham gia hoạt động trải nghiệm, khám phá giúp trẻ phát triển khả năng tư duy ghi nhớ thông qua các hoạt động giáo dục tại nhà trường.
Với tiêu chí tổ chức hoạt động giáo dục, hàng ngày chỉ đạo giáo viên tổ chức tốt các hoạt động giáo dục thường xuyên theo kế hoạch, khi tổ chức các hoạt động thường phối hợp các phương pháp hợp lý, tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”. Phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng, lấy trẻ làm trung tâm cho các hoạt động, chú trọng đến từng cá nhân trẻ, động viên khuyến khích trẻ, làm thay đổi và cụ thể hóa đối với những trẻ thiếu hụt hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ. Tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của riêng mình. Giáo viên tổ chức, điều khiển, hỗ trợ đúng lúc, không làm thay trẻ. Khuyến khích tương tác giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô giáo. Các hoạt động được diễn ra một cách thoải mái, trẻ luôn là chủ thể hoạt động tích cực, giáo viên là người luôn gần gũi với trẻ, là người trợ giúp trẻ luôn khuyến khích trẻ sáng tạo, tận dụng những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống thật để dạy trẻ khuyến khích trẻ tương tác giữa trẻ với trẻ. Gợi ý để trẻ nói lên được những gì trẻ cần biết, chuyền tải kiến thức cho trẻ dựa trên vốn kinh nghiệm, kỹ năng mà trẻ đã biết, từ đó giáo viên sẽ cung cấp, bổ sung kiến thức cho trẻ theo mục đích yêu cầu đã đưa ra.
Sau mỗi hoạt động hàng ngày của trẻ giáo viên lại đánh giá sự phát triển của trẻ qua các hoạt động, đánh giá trẻ qua các giai đoạn, đánh giá cuối độ tuổi để biết được tâm sinh lý của trẻ, sự phát triển của trẻ qua từng giai đoạn, khả năng sẵn sàng, chiều hướng phát triển của trẻ ở những giai đoạn tiếp theo. Giúp giáo viên có được các thông tin về sự tiến bộ của trẻ, biết được hiệu quả của các hoạt động, mức độ kết quả đạt được theo dự kiến, dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu, trên cơ sở đó sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng kế hoạch giáo dục, điều chỉnh KHGD và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp. Đánh giá trẻ cũng là cơ sở để trao đổi, đưa ra những quyết định phối hợp trong giáo dục trẻ với cha mẹ trẻ.
Để thực hiện tốt tiêu chí phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, trong những năm qua nhà trường luôn đề cao công tác phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ trẻ và cộng đồng trong việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Luôn phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, lãnh đạo địa phương cùng với cộng đồng làm tốt công tác quyên góp, ủng hộ, xã hội hoá giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng khang trang hiện đại. Tuyên truyền tới cộng đồng, cha mẹ trẻ về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non và hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Có mối quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa giáo viên, nhà trường, cha mẹ trẻ và cộng đồng chăm sóc giáo dục trẻ. Tạo điều kiện để các bậc cha mẹ tham gia vào hoạt động của trường, của lớp đặc biệt là các dịp lễ, hội nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Các hoạt động ngày hội ngày lễ được tổ chức vui tươi ý nghĩa
Xây dựng nội dung tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ trẻ và cộng đồng trong việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” phù hợp với địa phương và trong chăm sóc, giáo dục trẻ dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều năm qua trẻ được vui chơi, học tập trong một môi trường xanh - sạch - đẹp, các bé được chăm sóc với những chế độ sinh hoạt phù hợp với từng lứa tuổi, chế độ dinh dưỡng, ăn, uống có thực đơn hợp lý, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn, chế biến khoa học theo 10 nguyên tắc vàng. Không những vậy, trường còn chú trọng đến công tác y tế học đường, có nhân viên chuyên trách và thường xuyên phối hợp với trạm y tế trên địa bàn để khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm và theo dõi sức khỏe trẻ một cách tốt nhất.
Phối hợp với trạm y tế khám sức khỏe cho trẻ
Với sự nỗ lực của Ban giám hiệu nhà trường trong việc tham mưu, huy động mọi nguồn lực để tăng cường CSVC, trang thiết bị dạy và học trong và ngoài nhà trường đã giúp cho nhà trường có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. Tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên tạo được môi trường chăm sóc giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, cởi mở và đáp ứng được chất lượng giáo dục trẻ.Phát triển tình cảm giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô giáo, giúp trẻ thêm yêu trường lớp, cô và trò thân thiện cởi mở, phụ huynh tin tưởng đưa con đến trường. Trẻ em được phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ và kỹ năng xã hội hình thành cho trẻ những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một.
Với một ngôi trường lành mạnh, cơ sở vật chất khang trang sạch đẹp và đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường luôn tâm huyết với nghề, yêu trẻ như con, coi trường học là ngôi nhà thứ 2 của mình. Trường mầm non Tiên Thanh kính mong các bậc phụ huynh tiếp tục đưa con em mình trong độ tuổi đến trường, để trẻ được hưởng một chế độ chăm sóc giáo dục tốt nhất, giúp trẻ phát triển toàn diện về đức, trí,thể, mỹ.
Nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, sự phối kết hợp của các bậc phụ huynh toàn trường. Tạo điều kiện để nhà trường thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, chỉ đạo các hoạt động chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ./.
Tác giả: Đặng Thị Thu Thương